Chủ nghĩa tối giản Minimalism là gì? Đây có phải chỉ là một khái niệm liên quan đến khuynh hướng nghệ thuật? Theo dõi bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên, nhận ra những lợi ích, thách thức và ý nghĩa của nó để quyết định xem chủ nghĩa tối giản có phù hợp với bản thân hay không.
Minimalism, hay còn gọi là chủ nghĩa tối giản, là một phong cách thiết kế phát triển mạnh mẽ ở Mĩ trong những năm của thập niên 60 và 70, trong đó các yếu tố đơn giản nhất và ít nhất được sử dụng để tạo ra hiệu quả tối đa. Chủ nghĩa này bắt nguồn từ nghệ thuật, với tác phẩm có đường nét đơn giản, ít màu màu sắc được sắp xếp một cách hài hòa cẩn thận. Trong thời gian gần đây, nó dường như đã trở thành đại diện của một lối sống nhằm loại bỏ sự lộn xộn, sử dụng năng lượng vốn có để làm tăng thêm giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống của mỗi cá nhân.
Mục lục
Chủ nghĩa tối giản trong nghệ thuật
Chủ nghĩa tối giản trong nghệ thuật được đặc trưng bởi việc khám phá các yếu tố cần thiết nhất trong các loại hình nghệ thuật khác nhau như mỹ thuật, kiến trúc, thiết kế, điêu khắc, âm nhạc…giúp loại bỏ những biểu hiện dư thừa nhằm diễn đạt giá trị của các tác phẩm một cách rõ ràng và hiệu quả nhất.
Hội họa tối giản: Hội họa tối giản nhấn mạnh độ phẳng và sử dụng các hình dạng, đường nét hình học đơn giản, bằng phương pháp tiếp cận hình ảnh, nó tạo phản ứng trực tiếp và thuần túy cho người xem.
Điêu khắc tối giản: Các tác phẩm điêu khắc tối giản được tạo ra ở mức độ giữ nguyên các chất liệu sử dụng, áp dụng kĩ thuật làm đều màu trên bề mặt để tạo ra những tác phẩm dạng hình học cực kỳ đơn giản.
Âm nhạc tối giản: Âm nhạc đơn giản, dễ hiểu được tạo ra từ việc loại bỏ những cách sắp xếp và biến tấu phức tạp, giúp các tác phẩm trở nên nhẹ nhàng, cuốn hút người thưởng thức.
Ngoài ra, phong cách tối giản Minimalism ngày càng được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong khác như trong thiết kế, từ thiết kế nhà cửa đến logo, ấn phẩm truyền thông, in ấn bao bì sản phẩm, … Dường như các thiết kế theo chủ nghĩa này luôn giành được những sự yêu thích nhất định từ người xem.
Chủ nghĩ tối giản trong lối sống
Chủ nghĩa tối giản là chỉ sở hữu những gì làm tăng thêm giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống của bạn (cũng như những người bạn quan tâm) và loại bỏ phần còn lại. Đó là việc loại bỏ sự lộn xộn, sử dụng thời gian và năng lượng cho những thứ thực sự quan trọng. Mỗi người chỉ có một nguồn năng lượng, thời gian và không gian nhất định. Vì vậy phải tận dụng tối đa nó, có chủ ý về cách chúng ta đang sống mỗi ngày.
Hiểu đơn giản, chủ nghĩa tối giản trong lối sống là một công cụ để loại bỏ bản thân khỏi sự thừa thãi của cuộc sống, tập trung vào những gì quan trọng để có thể tìm thấy hạnh phúc, viên mãn và tự do.
Những quan niệm sai về chủ nghĩa tối giản
• Chủ nghĩa tối giản được thực hiện dựa trên quy tắc: Không có bất kì quy tắc nào cho việc thực hiện lối sống tối giản, với mỗi người sẽ có những lối sống tối giản khác nhau thỏa mãn như cầu riêng biệt của từng cá nhân.
• Bạn phải trở thành người chỉ sở hữu những thứ đơn giản: Chủ nghĩa tối giản vẫn cho phép bạn sở hữu những thứ đẹp đẽ mà bản thân mong muốn. Điều đó có nghĩa là bạn không nhất thiết phải sống trong căn nhà tường trắng, nội thất thưa thớt, giản đơn.
Mọi người đều có thể được hưởng lợi từ việc sống tối giản vì vậy đừng áp đặt bản thân vào khuôn khổ nhất định hoặc sống theo y hệt cách mà người khác đang sống. Mỗi người có một lí tưởng và mục tiêu khác nhau. Lối sống tối giản chính là một cách giúp ta thực hiện nó tốt nhất và làm tăng giá trị cuộc sống của bản thân.
Làm sao để bắt đầu với chủ nghĩa tối giản
• Loại bỏ những thứ không thật sự cần thiết là điều đầu tiên để bắt đầu lối sống tối giản, tạo nên thành đổi nhỏ chính là tiền đề cho một thay đổi lớn.
• Không mua những thứ vô bổ: trước khi trang bị một thứ gì mới, hãy tự đặt câu hỏi với bản thân là nó có thực sự giúp ích gì cho bản thân hay không, nếu câu trả lơi là không thì tốt nhất bạn đừng mua nó.
• Sắp xếp lại không gian sống gọn gàng: Đây là một tiền đề quan trọng tạ nên cảm hứng để bạn có thời gian quan tâm đến mục tiêu và những lí tưởng lớn hơn, làm những việc quan trọng hơn.
• Quản lí tiền bạc: Tiêu tiền có chủ đích, sử dụng nó cho những việc có ý nghĩa thực sự với bản thân.
• Sắp xếp lịch trình: Hãy dành ra nhiều không gian hơn cho những việc ý nghĩa, đi ngủ sớm và làm những thứ bạn thật sự cảm thấy hào hứng.
• Thay đổi trong các mối quan hệ: Nên xem trọng về chất lượng hơn số lượng trong những mối quan hệ. Học cách từ chối hoặc giảm thiểu thời gian dành cho những người có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn.
• Học cách bỏ qua: Cảm xúc cũng là một yếu tố quan trọng điều khiển nguồn năng lượng của bạn vì vậy hãy học cách bỏ qua những sự tức giận, phẫn uất, thù hận trong quá khứ để sống cho hiện tại và tương lai.
Những thách thức của lối sống tối giản
• Mọi thứ trở nên tồi tệ trước khi chúng trở nên tốt hơn: Ví dụ quy trình dọn dẹp sẽ thật sự là một khủng hoảng tạm thời khi không gian sống bừa bộn, chất đống với nhiều thứ linh tinh cần giải quyết.
• Gây nên sự khó hiểu cho nhiều người về việc đột nhiên bạn thay đổi cách sống, mục tiêu và những dự định khác trong tương lai. Hãy kiên trì vượt qua nó và thành tựu sẽ là chìa khóa giúp bạn vượt qua những hoài nghi.
• Cần phải hoàn thiện không ngừng: chủ nghĩa tối giản không phải là việc làm một lần rồi thôi mà nó cũng sẽ có sự thay đổi xoay quanh cuộc sống và nhu cầu của mỗi cá nhân.
• Lối sống theo chủ nghĩa tối giản có thể không phải là mục tiêu duy nhất: Chủ nghĩa tối giản giúp bạn tạo ra không gian về mặt thể chất, tinh thần, cảm xúc, bằng nguồn lực và thời gian nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng. Điều tiếp theo là xây dựng những thói quen để hình thành nền tảng bạn cần để làm được nhiều hơn những điều quan trọng đối với bản thân.
Lợi ích của việc sống tối giản
• Bớt áp lực, thêm thời gian cho những việc quan trọng
• Sống trong khoảnh khắc, làm những thứ ý nghĩa mà bản thân thật sự mong muốn.
• Theo đuổi đam mê, khám phá ra sứ mệnh của bản thân.
• Thả lỏng bản thân trong lối suy nghĩ tích cực, trải nghiệm tự do thực sự.
• Tạo nhiều hiệu quả hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn.
• Sống tối giản giúp bạn quan tâm hơn về vấn đề sức khỏe.
• Phát triển lối tư duy cá nhân mang đến nguồn sáng tạo vô tận.
• Khám phá mục đích trong cuộc sống, nâng tầm giá trị cuộc sống.
Bạn có hiểu đúng về chủ nghĩa tối giản?
“Kẻ thù của chủ nghĩa tiêu thụ” là cách nhiều người nhìn nhận chủ nghĩa tối giản, khi cuộc sống hiện đại và những tiện lợi vật chất có thể khiến nhiều người lãng quên những giá trị nền tảng của một cuộc sống hạnh phúc, một tâm trí an nhiên và một đời sống đủ đầy. Marie Kondo và cuốn sách vài trăm trang của cô chỉ dẫn cho chúng ta một điều cơ bản và cốt yếu nhất: hãy vứt bỏ những món đồ không khiến bạn vui. Nói rộng hơn, hãy chỉ sống với những vật dụng cơ bản nhất: từ quần áo, đồ dùng trong nhà cho đến thành phần mỹ phẩm, bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể được tiếp cận bằng cái nhìn tối giản hơn.

Không phải trào lưu tức thời
Trái với nhiều người hình dung, chủ nghĩa tối giản là một triết lý được áp dụng cả trong xã hội và nghệ thuật, và đã được áp dụng thậm chí trước khi có một định nghĩa cụ thể về nó. Sau Thế chiến II, chủ nghĩa tối giản là quan niệm thẩm mỹ rất được ưa chuộng bởi phong cách vừa siêu thực lại cũng vừa dễ cảm thụ. Sau đó, vào thập niên 1970, ý tưởng về lối sống đơn giản bắt đầu thành hình khi nhiều người nhận ra không thể dựa dẫm vào chủ nghĩa tiêu thụ. Không khó để nhận ra hiện tượng xã hội cũng giống với thời trang ở việc nó luôn quay vòng, và sự nguy hiểm của chủ nghĩa tiêu thụ trong bối cảnh kinh tế biến động và những cuộc khủng hoảng kinh tế cách đây một thập kỷ là yếu tố căn bản thúc đẩy người ta tìm đến một lối sống bền vững hơn, ít lệ thuộc vật chất hơn. Cùng với sức lan tỏa của mạng xã hội, chủ nghĩa đơn giản đã tìm được cách thức truyền thông hoàn hảo để chạm đến những thế hệ millennial hay gen Z.
Không phải một chuẩn mực đạo đức
Chủ nghĩa đơn giản bị lầm tưởng là một chuẩn mực đạo đức, rằng những người theo chủ nghĩa tối giản thường sẽ là những người tôn vinh giá trị đạo đức cao hơn số còn lại, điều này đồng nghĩa với những tranh cãi về lối sống, như thế nào mới là tối giản? Liệu dọn sạch tủ đồ để có chỗ cho những món đồ mới đắt tiền hơn có gọi là tối giản không? Steve Jobs khi còn sống luôn chỉ xuất hiện với một kiểu trang phục: chiếc áo cổ lọ đen và quần jean, bộ trang phục này trên thực tế không thể hiện ông là người theo chủ nghĩa tối giản, nhưng lựa chọn không bận tâm nhiều về những kiểu trang phục khác nhau của ông lại là một kiểu suy nghĩ tối giản. Hiểu về chủ nghĩa tối giản, bạn sẽ thấy nó thể hiện ở rất nhiều mặt, và người ta có thể áp dụng bất cứ khía cạnh nào phù hợp với quan niệm và môi trường sống của mình.
Không có nghĩa bạn phải ngừng mua sắm mãi mãi
Mà là cách bạn mua sắm. Chủ nghĩa tối giản khuyên bạn hãy vứt bỏ những món đồ bạn không dùng đến, hay không khiến bạn cảm thấy vui để giải phóng không gian, điều này dễ dàng dẫn đến lầm tưởng để theo chủ nghĩa tối giản, bạn tuyệt đối không nên mua sắm bất cứ món đồ nào nữa. Tiêu thụ hay tối giản không nhất thiết phải là hai phạm trù đối nghịch, trong quá trình lược giản hóa cuộc sống, bạn sẽ thấy bản chất của việc sống tối giản là lệ thuộc ít hơn và sử dụng những vật dụng một cách có ý nghĩa hơn. Ví dụ khi quyết định mua chiếc áo mới, bạn sẽ dành thời gian nhiều hơn để suy nghĩ liệu nó có phù hợp với các dịp khác nhau, có thể kết hợp với nhiều hơn một thứ trang phục bạn đang sở hữu, liệu nó có xứng đáng với số tiền bạn bỏ ra… Điểm tích cực của chủ nghĩa tối giản nằm ở chỗ khiến bạn chú tâm hơn và kiểm soát tốt hơn thói quen tiêu thụ của mình.
Không thể áp dụng trong một sớm một chiều
Quyết định sống tối giản có thể khiến nhiều người choáng ngợp khi không biết bắt đầu từ đâu, với những món đồ gì, nên vứt bỏ thứ gì và giữ lại thứ gì, nhiều người trên thực tế đã bỏ cuộc cũng vì lý do này. Khi bắt đầu thực hành chủ nghĩa tối giản, việc bạn nên làm đầu tiên là lên danh sách những hạng mục mình muốn loại bỏ dần, và dành cho nó khoảng thời gian phù hợp, có thể sẽ cần 1 tuần, 2 tuần, thậm chí một tháng, nhưng đó cũng là trọng tâm của chủ nghĩa tối giản. Nhanh chóng vứt bỏ món đồ này, hoang mang với không gian kia sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy rối tung hơn, điều này cũng cho phép bạn có thêm thời gian tìm cách mang lại cuộc đời thứ hai cho những món đồ của mình: quyên góp, đem tặng, hay vứt bỏ hoàn toàn.
Không chỉ không gian mới cần tối giản
Sự dư thừa không chỉ gói gọn ở không gian, đồ đạc, vật chất. Nó thể hiện trong ổ cứng máy tính, album ảnh trong điện thoại, danh sách người theo dõi trên mạng xã hội, và những mối quan hệ xã hội vu vơ không có ý nghĩa gì với bạn… Bạn sẽ chỉ sống đơn giản hơn và sống với khoảnh khắc hơn khi tất cả các không gian cả hữu hình lẫn không gian ảo được dọn dẹp, lọc thải và loại bỏ nếu cần thiết. Lúc này, lời khuyên của Marie Kondo vẫn rất có ích: hãy loại bỏ những thứ, những giao diện không thường được bạn dùng đến, những người sẽ chỉ khiến bạn khó chịu hay bận tâm khi thấy họ trên mạng xã hội, những hòm mail nặng trĩu thư rác…